Blogroll

Rất nhiều người trong chúng ta thường phạm sai lầm khi kinh doanh, và rất ít người học được nhiều điều từ những sai lầm đó. Trong TMĐT cũng vậy. Có rất nhiều người lầm tưởng rằng, chỉ cần có một trang web bán hàng trên mạng là khách hàng cứ thế mà xông vào. Trên thực tế, kinh doanh trực tuyến là một chuyện nghiêm túc, đòi hỏi bạn nắm vững những đặc tính của thị trường này cũng như kỹ năng điều hành và thu hút khách. Sau đây là năm sai lầm cơ bản có thể nhanh chóng kết liễu số phận cửa hàng trực tuyến của bạn.

1. Không quảng cáo

Nhiều người bán hàng trực tuyến mong chờ khách hàng tình cờ tìm ra họ. Nhưng trong bối cảnh hàng triệu trang web đang cạnh tranh để tranh giành một số lượng khách hàng hữu hạn, thì ngày càng ít có cơ hội trang web của bạn được khách hàng tình cờ ghé thăm. Nếu không quảng cáo, khả năng thu hút được khách hàng mới của bạn sẽ trở nên rất mong manh.
Song, bạn cũng đừng quá bi quan. Nếu không dư dả lắm về tài chính, bạn vẫn có thể quảng cáo cho cửa hàng của mình một cách hiệu quả. Bản tin điện tử có định hướng và các quảng cáo thông qua các từ khóa (keywords) là những phương thức có tính hiệu quả kinh tế rất cao, qua đó, khách hàng tiềm năng có quan tâm đến sản phẩm của bạn sẽ dễ dàng nhận biết bạn

2. Sự cẩu thả trong cách bài trí trang web

Nếu cửa hàng của bạn trông có vẻ lộn xộn và khách hàng cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm sản phẩm trong đó, thì nguy cơ khách hàng rời bỏ cửa hàng của bạn để tìm đến với một cửa hàng khác là hòan tòan dễ hiểu. Trang web của bạn chính là tấm card visit giúp bạn tiếp cận với khách hàng; bởi vậy, hình thức của nó phải thật chuyên nghiệp. Một trang web có hình thức bắt mắt và chuyên nghiệp sẽ củng cố lòng tin của khách hàng và thể hiện cho khách hàng biết bạn rất nghiêm túc trong công việc.
Ngay cả khi bạn không phải là một chuyên gia thiết kế trang web thì bạn vẫn có thể dùng các mẫu thiết kế miễn phí trên mạng Internet (free templates) để xây dựng một trang web đơn giản và đẹp. Hãy đầu tư thời gian để làm cho trang web của bạn trông đẹp nhất, nếu có thể được. Và kết quả sẽ là một trang web chuyên nghiệp có khả năng hấp dẫn khách hàng.

3. Không quan tâm đến việc kết nối trang web của mình với các công cụ tìm kiếm

Người ta ước tính rằng khoảng 70% các cuộc giao dịch trực tuyến xuất phát từ một trang web tìm kiếm tên tuổi. Nếu trang web của bạn không xuất hiện trong một vài trang kết quả tìm kiếm đầu tiên, bạn có thể nói lời giã biệt với 70 phần trăm các thương vụ mua bán đó. Hãy đảm bảo rằng nội dung thông tin trên trang web phản ánh đúng các đặc điểm của sản phẩm mà bạn cung cấp và có nhiều từ khóa phù hợp.

4. Chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng kém

Nếu bạn không làm cho được các khách hàng hiện có hài lòng, thì bạn có thể quên việc thu hút các khách hàng mới đi. Tin dồn lan rất nhanh qua cộng đồng Internet, và chỉ một khách hàng không hài lòng cũng có thể gây ra hiệu ứng đô-mi-nô khiến mọi nỗ lực của bạn có nguy cơ “tan thành mây khói.”
Điều này cũng đúng với trường hợp các cửa hàng không đưa thông tin liên hệ của họ rõ ràng trên trang web. Điều này có thể khiến khách hàng có ấn tượng là họ chẳng có chỗ nào để gửi trả lại hàng khi gặp phải vấn đề - và tất nhiên sẽ dẫn tới mất khách hàng giao dịch. Bạn không cần phải cung cấp dịch vụ trả lời điện thoại 24/24h, song nên để lại địa chỉ thư điện tử và nói rõ bạn sẽ trả lời thư trong thời gian bao lâu.

5. Trang web không được cập nhật tin tức

Nếu không cập nhật trang web của mình trong vòng sáu tháng qua, thì bạn có nguy cơbị hất ra khỏi bộ nhớ của khách hàng. Chỉ cần cập nhật thông tin về sản phẩm, thêm một chút thông tin khác và cơ cấu lại trang web chút ít, bạn vẫn có thể gợi cho khách hàng ý niệm rằng bạn đang luôn quan tâm đến họ và không phụ lòng họ.
Và cũng giống như thế giới ngoại tuyến, bạn cần tiến hành nghiên cứu thị trường đồng thời đánh giá tình hình cạnh tranh. Hãy tìm hiểu xem đối thủ cạnh tranh có mời chào thứ gì khác bạn không, và họ có giữ giá thấp hơn giá của bạn hay không.
Năm sai lầm cơ bản này định nghĩa sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Bạn có một trang web không có nghĩa là đã xong việc. Bán hàng trực tuyến đòi hỏi nsự bền bỉ giống như bán hàng truyền thống vậy. Nếu bạn tự thỏa mãn với bản thân, sẽ không thiếu các đối thủ cạnh tranh đang trực chờ để lấy đi khách hàng ngay trước mũi bạn.

BWP/All Business

5 sai lầm phổ biến của các SHOP bán hàng online

Bán hàng chuyên nghiệp thông qua câu chuyện "Người bán ớt dạo"

Bán hàng là một nghệ thuật, làm thế nào để khách hàng hiểu rõ hơn và chấp nhận sản phẩm của bạn, phải dùng phương pháp nào khiến khách hàng trong vô vàn sự lựa chọn lại chọn sản phẩm của bạn.

Trong bán hàng, có thể liên tục thay đổi chiến thuật, nhưng “chiến thuật tâm lý” luôn là chiến thuật nòng cốt ẩn giấu bên trong mọi chiến thuật khác. Người bán hàng thành công luôn là người có chiến thuật kinh doanh phù hợp và đúng đắn.

Ngoài bán hàng, ta cần phải bán những gì?

Khách lạ mua sự lịch sự
Khách quen mua sự nhiệt tình
Khách hàng bận rộn mua sự hiệu quả
Khách hàng rảnh rỗi mua sự kiên nhẫn
Khách hàng có tiền mua sự tôn quý
Khách hàng không có tiền mua giá cả phải chăng
Khách hàng sành điệu mua sự thời trang
Khách hàng chuyên nghiệp mua sự chuyên nghiệp
Khách hàng thích hưởng thụ mua dịch vụ
Khách hàng thích hư danh mua sự vinh dự
Khách hàng hào phóng mua sự trượng nghĩa
Khách hàng keo kiệt mua lợi ích
Khách hàng kén chọn mua sự chi tiết, tỉ mỉ
Khách hàng dễ tính mua sự đồng cảm
Khách hàng hay do dự mua sự bảo đảm.
Các bạn sẽ hiểu rõ hơn nghệ thuật bán hàng thông qua câu chuyện sau:

Những người bán ớt luôn gặp cùng một câu hỏi: “Ớt này có cay không?”.Phải trả lời thế nào đây? Nói cay thì lỡ phải người không thích ăn cay sẽ lập tức bỏ đi và không mua nữa; Còn nói không cay thì lỡ phải người thích ăn cay thì sao?
Một ngày rảnh rỗi, tôi đứng bên cạnh một gánh bán ớt của một người phụ nữ, xem chị ta giải quyết vấn đề đầy nghịch lý này như thế nào?
Nhân lúc chưa có người mua, tôi tự tỏ ra thông minh mách chị: “chị chia ớt thành hai phần, gặp phải khách thích ăn cay thì chị chỉ phần bên này, còn gặp khách không thích ăn cay thì chị chỉ phần bên kia”.
Chị bán ớt nhìn tôi cười và nói: “không cần phải thế”.
Đúng lúc này, có một khách hàng đến hỏi mua, câu hỏi quả nhiên vẫn như cũ: “Ớt này có cay không?”.
Chị bán hàng rất chắc chắn nói với họ: “quả đậm màu cay, quả nhạt màu không cay”.
Người mua nghe vậy tin là thật, chọn ớt, trả tiền rồi vui vẻ rời đi.
Một lúc sau, những quả ớt nhạt màu còn lại chả là bao.
Một lúc nữa, lại có một người đến mua và vẫn câu hỏi như vậy: “Ớt này có cay không?”.
Chị bán ớt nhìn gánh ớt của mình, trả lời một cách chắc chắn: “Quả dài cay, ngắn không cay”.
Quả nhiên, người mua nghe theo lời phân loại của chị để chọn ớt. Và kết quả là chả mấy chốc, quả ớt dài cũng bán gần hết.
Nhìn vào gánh ớt còn lại của chị, toàn là ớt ngắn và đậm màu, tôi thầm nghĩ: “Lần này xem chị giải quyết thế nào?”.
Và khi một người mua nữa đến hỏi: “Ớt này có cay không”, chị bán hàng vẫn rất tự tin trả lời: “Quả cứng cay, mềm không cay”.
Tôi thầm bái phục chị, không phải sao khi ớt bị phơi nắng cả ngày thì rất nhiều quả bị mất nước mà mềm oặt lại.
Rồi chả mấy chốc, người phụ nữ bán ớt bán hết gánh ớt của mình, trước khi về nhà chị nói với tôi: “Cách em bảo với chị, ai bán ớt cũng biết, thế nhưng cách bán của chị thì chỉ có mình chị biết”.
Nghe vậy tôi chợt nhận ra rằng: Sự khôn ngoan trong cuộc sống có thể được viết thành sách, nhưng bạn không thể bê y nguyên sách khi áp dụng vào cuộc sống, bởi cuộc sống luôn sống động và đòi hỏi bạn phải linh hoạt và sáng tạo.
(St)

Học bán dạo chuyên nghiệp

Học bán hàng hiệu quả bằng nghệ thuật giao tiếp

Nếu không có ngôn ngữ, bạn sẽ không thể nói lên các tâm tư suy nghĩ của mình hay thể hiện bản thân. Bạn cũng không thể truyền tải được những nhu cầu, mong muốn của mình, và cuộc độc thoại trong tâm trí bạn sẽ dừng lại.
Ngôn từ thực sự phản ánh con người thật của chúng ta. Tuy nhiên, do nói quá nhiều mà đôi khi chúng ta lại quên đi điều đó.
“Ngôn ngữ học bán hàng” là sự kết tinh thành quả của các lĩnh vực trên, từ đó giúp chúng ta hiểu về cách sử dụng và diễn giải ngôn ngữ của người bán hàng và khách hàng tiềm năng của họ trong quá trình ra quyết định.
Giao tiếp hiệu quả là nền tảng của mọi giao dịch, và những người bán hàng thuyết phục nhất, thành công nhất  đều có khả năng nói bằng ngôn ngữ của khách hàng. Câu hỏi đặt ra là: “Họ nói gì?”
Ngôn ngữ học bán hàng đưa ra ba nguyên tắc cơ sở để trở thành người bán hàng hiệu quả: mỗi khách hàng đều giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng của họ, người bán hàng thành công xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ thông qua hoạt động giao tiếp hòa hợp, và cuối cùng, con người bị thuyết phục dựa vào những mối liên lạc cá nhân.

1. Khách hàng sử dụng ngôn ngữ riêng

Phần lớn các công ty đều trang bị cho đội ngũ bán hàng của mình một phương pháp bán hàng đại trà. Nhưng thật không may, mỗi người trên thế giới đều giao tiếp bằng một ngôn ngữ riêng biệt.
Ngôn ngữ bạn sử dụng hình thành nên từ những trải nghiệm thường ngày – nơi bạn lớn lên (ngôn từ địa phương), ngôn ngữ mà những người thân yêu quanh bạn sử dụng, trường học của bạn, bạn bè, nghề nghiệp của bạn, số tiền bạn có trong tài khoản, và thậm chí là cả đời sống tinh thần của bạn nữa.
Vì không có người nào khác có đúng và đủ những trải nghiệm hệt như của bạn, nên không ai nói đúng thứ ngôn ngữ mà bạn dùng.
Vì vậy, ngôn ngữ mà hai người khác nhau dùng để miêu tả về cùng một tình huống – hay cách họ diễn giải cùng một ngôn ngữ – có thể sẽ rất khác nhau.

2. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp thông qua giao tiếp hòa hợp

Thật không may, khi tiếp xúc với khách hàng tiềm năng, phần lớn những người bán hàng đều nói chuyện bằng ngôn ngữ riêng của họ và chỉ nói về bản thân họ mà thôi.
Chủ đề bao quát của toàn bộ cuộc nói chuyện là tôi, tôi, tôi: công ty tôi, các lợi ích của sản phẩm của tôi, các đặc điểm và tính năng của sản phẩm của tôi.
Nhưng đối với những người bán hàng thành công, họ lại nói về khách hàng: vấn đề của khách hàng, giá trị của khách hàng, các kế hoạch và mong muốn của khách hàng.
Họ sử dụng ngôn ngữ của chính khách hàng để thiết lập nên một mối quan hệ tốt đẹp.
Mối quan hệ tốt đẹp là một mối quan hệ đặc biệt giữa hai cá nhân được xây dựng dựa trên hoạt động giao tiếp hòa hợp.
Tuy nhiên, hoạt động giao tiếp của con người lại diễn ra theo nhiều hình thức và cấp độ khác nhau.
Một lượng thông tin khổng lồ được truyền tải bằng cả ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cả ý thức và tiềm thức.
Một người bán hàng hiệu quả sẽ tự động điều chỉnh tư duy và ngôn ngữ của mình để phản ánh ngôn ngữ của khách hàng.

3. Thuyết phục người khác thông qua mối liên hệ cá nhân

Công việc của người bán hàng là thuyết phục người khác. Nhưng điều gì đã tạo nên sức thuyết phục ở họ? Phải chăng đó là kiến thức và khả năng nhắc lại như một cái máy những lý do giải thích tại sao khách hàng nên mua sản phẩm của họ?
Trên thực tế, những người bán hàng thuyết phục nhất lại không nhất thiết phải hiểu rõ về sản phẩm họ bán, bởi vì để thay đổi ý kiến của người mua thì lý do và logic vẫn là chưa đủ. Cần phải thiết lập một mối liên hệ cá nhân nữa.
Thuyết phục là quá trình hướng những niềm tin và quan điểm của bạn vào người khác.
Mục tiêu của nó không phải là khiến người khác phải đồng ý với các lập luận của bạn, mà là khiến họ tiếp thu thông điệp bạn đưa ra bởi vì họ tin rằng bạn làm thế là vì lợi ích của họ.
Về bản chất, thuyết phục chính là khả năng “gõ cửa” các cảm xúc cá nhân và tiếp cận yếu tố ra quyết định trong tiềm thức của người đó.
Người bán hàng thành công cũng đồng thời là người giao tiếp giỏi; họ biết cần phải nói gì và nói như thế nào.
Nhờ tài năng ngôn ngữ, họ có thể truyền đạt và giải mã những thông điệp ẩn mà những người bán hàng kém thành công hơn thường bỏ qua.
Trong khi vẫn sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ mà phần lớn giới bán hàng đều sử dụng, họ lại xây dựng được cho mình một khả năng kỳ lạ, có thể khiến những người vốn hoài nghi cũng phải tin tưởng vào họ và thuyết phục cả những người hoàn toàn xa lạ nghe theo lời họ khuyên.
Ngôn ngữ học bán hàng có thể giúp chúng ta tìm hiểu quá trình người bán hàng biến những người “ngoại đạo” thành các “tín đồ”, và thuyết phục khách hàng tiềm năng mua hàng.
(st)

Nghệ thật giao tiếp giúp tăng doanh số bán hàng hiệu quả